TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN LÝ CỦA NGŨ HÀNH - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

2 comments
(Nguồn ảnh: Internet)
Tìm hiểu về
NGUYÊN LÝ CỦA NGŨ HÀNH
 (Trích từ TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến ; Thanh Hóa ; 2009)
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)
Trong dịch lý và khoa tử vi, ngũ hành được xem là sự thể hiện thể chất của hai khí Âm (-) và khí  Dương (+). Cái thể chất đó có hình dạng, đặc tính cố định nhưng lại không có thể chất nhất định. Hiểu đơn giản, vì Ngũ hành là chất được biến sinh từ hai khí Âm (-) và khí Dương (+) nên không có thể chất nhất định.
Tìm hiểu về văn hóa dân gian, nhất là khi tiếp cận với văn hóa tín ngưỡng như Tử Vi, Tử Bình… mà không hiểu rõ về nguyên lý của Ngũ hành thì quả thật sẽ rất khó khăn cho người nghiên cứu. Sự rối rắm, phức tạp về quan niệm tương sinh - tương khắc - tương hòa và nhất là nguyên tắc chế hóa của ngũ hành rất dễ đưa người đọc rơi vào sự hỗn độn, lầm tưởng, dễ đưa ra những kết luận sai lệch, kiểu như thầy bói xem voi trong truyện tiếu lâm Việt Nam.
Nói đến Ngũ hành là nói đến sự tồn tại của 5 hành có đặc tính rất riêng và hoàn toàn có tính khác biệt là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đấy chính là năm trạng thái được hàm chứa trong vũ trụ và con người. Nhưng ngay trong cùng một hành, sự khác biệt vẫn có và sự khác biệt đó lại là căn bản để khẳng định tính riêng biệt của 2 hoặc 3 hành đó. Chẳng hạn:  Âm Thổ - Dương Thổ, Âm Kim - Dương Kim, Âm Thuỷ - Dương Thuỷ ...
Thuyết Âm - Dương Ngũ hành xuất hiện đầu tiên từ thời Trung Hoa cổ đại trong Kinh dịch của Khổng Tử. Trong đó:
- Âm: Tượng trưng cho mặt trăng (ban đêm), cho giống cái, bao hàm sự tối tăm, nguội lạnh, sự bất động, sự mềm nhão.
Dương: Tượng trưng cho mặt trời (ban ngày), cho giống đực, bao hàm sự sinh động, cứng cáp, sự mạnh mẽ, ấm nóng.
Còn Ngũ hành được ứng với thiên nhiên, sắc màu và đặc tính của con người. Cụ thể:
- Kim: Tượng trưng cho mùa thu, cho màu trắng và cho phương Tây. Kim ứng với đức tính NGHĨA của con người: Tượng trưng cho người sống có nghĩa có tình, luôn thích ứng với những phép tắc của thiên nhiên và công lý, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng giữ được bản chất tốt đẹp của một con người chính nhân quân tử.
- Mộc: Tượng trưng cho mùa xuân, cho màu xanh và phương Đông. Mộc ứng với đức tính NHÂN của con người: Tượng trưng cho người thanh tịnh, ung dung tự tại, không cạnh tranh mà luôn bao dung với mọi người, con người hiền hoà như cây cỏ.
- Thủy: Tượng trưng cho mùa đông, cho màu đen và phương Bắc. Thủy ứng với đức tính TRÍ của con người: Tượng trưng cho người có trí tuệ, không có điều gì là không thấu đáo, cũng như nước thì không có vật ngăn cản nào mà không thể tràn qua.
- Hoả: Tượng trưng cho mùa hạ, cho màu đỏ và cho phương Nam. Hoả ứng với đức tính LỄ của con người: Tượng trưng cho người sống có lễ, có khuôn phép, tạo nên sự tôn trọng, tôn kính.
-Thổ: Tượng trưng cho đất, cho màu vàng và cho trung tâm. Thổ ứng với đức tính TÍN của con người: Tượng trưng cho con người luôn giữ chữ tín, cũng như thổ thì không bao giờ dịch chuyển vậy.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin mạo muội trình bày một số điểm cần lưu ý về mối quan hệ tương sinh - tương khắc - tương hòa và nguyên tắc chế hóa của Ngũ hành. Hy vọng có thể giúp bạn đọc giảm bớt khó khăn khi lần đầu tìm hiểu, tiếp cận với nguyên lý của Ngũ hành.

A. TìM HIỂU VỀ
ngũ hành tương sinh
Khi nghe nói Ngũ hành tương sinh, ví dụ như Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim thì hiểu nôm na là hành này bồi đắp, nuôi dưỡng cho hành kia được lớn mạnh và phát triển. Chẳng hạn hành Kim nuôi dưỡng và bồi đắp cho hành Thủy lớn mạnh và phát triển, hành Thổ nuôi dưỡng và bồi đắp cho hành Kim lớn mạnh và phát triển...
Quan hệ tương sinh của Ngũ hành được mô tả theo sơ đồ sau:
Giải thích về ý nghĩa của Ngũ hành tương sinh, có thể hiểu đơn giản như sau:
- Mộc sinh Hỏa: Mộc là cây cối, có Hỏa ẩn phục bên trong, xuyên thủng Mộc sẽ sinh ra Hỏa. Vì thế mới nói Mộc sinh Hỏa.
- Hỏa sinh Thổ: Hỏa đốt cháy cây cối thành tro, tức là Thổ. Vì thế mới nói Hỏa sinh Thổ.
- Thổ sinh Kim: Kim bị vùi lấp trong đất đá nên có Thổ tất có Kim. Vì thế mới nói Thổ sinh Kim.
- Kim sinh Thủy: Khí của Kim chảy ngầm trong núi, hoặc nhiệt độ làm kim loại nóng chảy. Vì thế mới nói Kim sinh Thủy.
- Thủy sinh Mộc: Nhờ có nước mà cây cối sinh trưởng được nên mới nói Thủy sinh Mộc.
Khi tìm hiểu về nguyên lý của Ngũ hành, cũng cần lưu ý một điều: Không phải cứ tương sinh là được tốt, mà phải hiểu Ngũ hành tương sinh được coi như là tốt giữa hai hành đó với nhau.
Trong mối quan hệ tương sinh đó sẽ có hai tình trạng sinh xuất và sinh nhập chứ không thể cùng tình trạng là sinh xuất hay sinh nhập. Có nghĩa, sự tương sinh chỉ có tính chất một chiều.
 Chẳng hạn: Kim sinh Thủy chứ Thủy không sinh Kim, Thổ sinh Kim chứ Kim không sinh Thổ.
Cũng có quan điểm cho rằng, sự tương sinh sẽ diễn ra hai chiều. Chẳng hạn: Mộc sinh Hỏa và Hỏa cũng có thể sinh Mộc. Quan điểm này được lập luận: Thủy sinh Mộc bởi nước đã giúp đất bớt khô, làm cho cây cối sinh trưởng tốt, còn Hỏa làm cho trời nóng, cây cối khỏi cóng rét nên cũng có thể nói Hỏa sinh ra Mộc. Quan điểm này không thực tế bởi cách lập luận như thế thật hết sức miên man, khiên cưỡng nên không thuyết phục.
Quan hệ sinh một chiều sẽ dẫn đến có sự khác biệt giữa hai hành trong mối tương sinh đó. Cái này sinh cho cái kia thì đó là sự sinh xuất, có nghĩa tình trạng sinh xuất sẽ thể hiện sự thua thiệt, vất vả để phù trợ cho cái được sinh (tình trạng sinh nhập). Cái này được sinh do cái kia sẽ được lợi, được phù trợ do cái kia đem lại. Hiểu nôm na, đơn giản: hành sinh xuất là cha mẹ, hành được sinh là con cái. Vì cha mẹ sinh ra con cái nên hết lòng vì con cái, bồi đắp và nuôi dưỡng cho con cái phát triển, còn con cái, được cha mẹ sinh thành, dưỡng dục nên người, sau này sẽ báo đền ơn nghĩa của cha mẹ, tuy nhiên, sự báo đáp đó không thể ngang bằng với công lao trời biển của bố mẹ.
So sánh như vậy để bạn đọc dễ hình dung về mối quan hệ Ngũ hành tương sinh, dễ đưa ra lời kết luận khi nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt là trong văn hóa tín ngưỡng như Tử vi, Lý số...
Trong quan hệ vợ chồng, sự tương sinh giữa hai bản mệnh là rất cần thiết vì có sự tương sinh thì vợ chồng mới yêu thương, hòa thuận, mới cùng nhau vun đắp cuộc sống gia đình được viên mãn. Tuy nhiên, bản mệnh của người vợ phải ở tình trạng sinh xuất cho bản mệnh của người chồng thì sự tương sinh ấy mới thật sự là tốt đẹp, hoàn mỹ. Sự sinh xuất đó sẽ giúp người chồng gặp nhiều may mắn, con đường công danh, sự nghiệp của người chồng sẽ ít gặp những trắc trở, hoặc nếu có gặp thì sẽ dễ dàng vượt qua. Trường hợp này, dân gian gọi là người có số vượng phu ích tử. Ngược lại, bản mệnh người vợ được sinh nhập từ bản mệnh của người chồng thì người vợ sẽ được người chồng yêu thương, chở che, bao bọc. Vì ở tình trạng sinh xuất nên người chồng không nhận được sự giúp đỡ của vợ, dù chỉ là “nhờ lộc tuổi của vợ” ... Dù sao, bản mệnh của hai vợ chồng rất cần có sự tương sinh về ngũ hành để cuộc sống gia đình được hạnh phúc.
Vì có tính chất Âm (-), Dương (+) của Ngũ hành nên khi nói đến tương sinh, cần chú ý đến nguyên tắc về Âm - Dương của 2 hành tương sinh đó. Sự tương sinh chỉ sảy ra khi hai hành đó có  tính chất Âm (-), Dương (+) khác nhau, ví dụ:
Âm Kim sinh Dương Thuỷ
Dương Thổ sinh Âm Kim
chứ nhất quyết không có chuyện:
Âm Kim sinh Âm Thuỷ
Dương Thổ sinh Dương Kim
Có quan điểm cho rằng: Sự tương sinh chỉ sảy ra một chiều, theo hướng khí Âm (-) sinh khí Dương (+), chứ không thể khí Dương (+) sinh khí Âm (-). Chẳng hạn: cùng là Thổ và Kim nhưng chỉ có Âm Thổ sinh Dương Kim, chứ Dương Thổ không sinh được Âm Kim. Quan điểm này không chấp nhận được vì đã hiểu không đúng về nguyên lý Âm Dương trong dịch lý. Cổ nhân nói: Trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, Âm cực sinh Dương và Dương cực sinh Âm. Ví dụ: Không khí là Dương, nước là Âm. Trong không khí (Dương) có hơi nước (Âm) và trong nước (Âm) có bọt khí (Dương).
Dịch lý cho rằng: Âm Dương thuận lý (tức là khí Âm (-) và khí Dương (+) dung nạp, hòa hợp nhau) để biến sinh ra vạn vật, con người. Triết lý Âm - Dương khẳng định: Âm và Dương là hai thực thể ngoại tại, tự thân chuyển hóa lẫn nhau. Ví dụ: Không khí khi gặp lạnh sẽ tạo thành mưa, nước khi gặp nóng sẽ bốc hơi tạo thành khí; hoặc hết ngày thì đến đêm, hết mưa thì sẽ nắng.... Vì thế, quan điểm cho rằng chỉ có khí Âm (-) mới sinh được khí Dương (+) còn khí Dương (+) không thể sinh được khí Âm (-) là hiểu sai về thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Bên cạnh việc căn cứ vào Âm Dương của Ngũ hành, cần phải cân nhắc, xem xét đến yếu tố thứ 3 là bản chất lý tính của Ngũ hành (tức nạp âm thủ tượng, còn gọi nạp âm ngũ hành) của các hành đó để đưa ra kết luận: Thực chất mối quan hệ tương sinh của các hành đó như thế nào? Không thể cứ thấy đặc tính Ngũ hành tương sinh là khẳng định luôn các hành đó tương sinh, cũng không thể chỉ thấy thuận lý Âm (-) Dương (+) thì cho rằng như thế là được.
Biết rằng Thủy sinh Mộc nhưng phải biết đó là Thủy gì, Mộc gì ... chứ không thể cứ thấy Thủy với Mộc là khẳng định đó là tương sinh. Phải biết bản chất lý tính của các hành đó là gì để căn cứ mà luận giải. Chẳng hạn Bình Địa Mộc (Mậu Tuất - Kỷ Hợi: Cây đất bằng) rất cần có Thiên Hà Thủy (Bính Ngọ - Đinh Mùi: nước mưa trên trời) tưới xuống để tốt tươi, lớn mạnh, ngược lại, nếu Bình Địa Mộc gặp Đại Hải Thủy (Nhâm Tuất - Quý Hợi: Nước biển rộng) thì cây non mới đâm cành trổ lá làm sao mà tồn tại nổi.
Tương tự như vậy, khi nói Hỏa sinh Thổ cũng không thể hiểu Hỏa nào cũng sinh được Thổ, ví dụ, Thiên Thượng Hỏa (Mậu Ngọ - Kỷ Mùi: Lửa trên trời) không sinh được Bích Thượng Thổ (Canh Tý - Tân Sửu: Đất trên vách) mà còn làm cho Bích Thượng Thổ bị hủy diệt.
Ngay cả khi bản chất lý tính của Ngũ hành được tương sinh nhưng chắc chắn sẽ có ý kiến khác nhau, thậm chí còn trái ngược. Chẳng hạn, lấy tuổi Mậu Tuất với tuổi Bính Ngọ làm ví dụ.
 - Ý kiến thứ nhất cho rằng rất đẹp vì được tương sinh hai cấp độ (đặc tính và lý tính).
- Ý kiến thứ hai cho rằng không được đẹp lắm vì không thuận lý Âm Dương.
- Ý kiến thứ ba cho rằng bình thường, vì Ngũ hành từ khí mà ra nên Âm (-) Dương (+) là quan trọng. Dù được tương sinh ở 2 cấp độ nhưng sự nghịch lý Âm (-) Dương (+), coi như vứt bỏ.
Đây chính là sự phức tạp của thuyết Âm Dương Ngũ hành, làm cho người mới tìm hiểu, tiếp cận với Lý số học sẽ như lạc vào một trận đồ bát quái, khó tìm được đường ra.
Như vậy, mối quan hệ tương sinh của Ngũ hành không đơn giản như cách hiểu nôm na theo sơ đồ tương sinh đã nêu ở trang trước, mà khá phức tạp. Cũng lưu ý rằng, khi tìm hiểu về Ngũ hành tương sinh, bạn đọc nhất định phải chú ý đến 3 yếu tố sau:
1. - Đặc tính của Ngũ hành và tình trạng sinh xuất - sinh nhập.
2. - Tính chất Âm - Dương của Ngũ hành.
3. - Bản chất lý tính của Ngũ hành (còn gọi là nạp âm Ngũ hành).
Trong dân gian, có quan điểm cho rằng chỉ cần yếu tố thứ (3) là đủ, không cần thiết phải thêm 2 yếu tố (1) và (2), vì như thế chỉ thêm phức tạp, rối rắm. Nhưng cũng có quan điểm lại chú trọng tới yếu tố (1) và (2), bỏ qua hoàn toàn yếu tố nạp âm của Ngũ hành vì cho rằng như thế chỉ tăng thêm sự rối ren không cần thiết. Theo quan điểm của chúng tôi, sự kết hợp cả 3 yếu tố là điều cần thiết, không nên coi nhẹ bất kỳ yếu tố nào.
Chúng ta đều biết nạp âm Ngũ hành là sự phân chia ra 30 hành chi tiết của 5 hành cơ bản, để giải thích những sự phức tạp của quá trình sinh - khắc một cách hợp lý hơn khi áp dụng năm sinh để dự báo sự xung - hợp của tính tình con người.
Chúng tôi nghĩ rằng: Trong các trường hợp, khi bản chất lý tính của ngũ hành được xác định rõ ràng (nạp âm ngũ hành), thì sự kết hợp cả 3 yếu tố để luận giải sẽ tăng thêm độ chính xác, tin cậy của lời giải đoán, nhưng trong các trường hợp khác, khi lý tính của ngũ hành không thể xác định thì việc cân nhắc 2 yếu tố (1) và (2) là điều tiên quyết. Chẳng hạn, khi luận giải về giá trị của các sao trong lá số tử vi, người luận giải đương nhiên phải căn cứ vào đặc tính ngũ hành của các sao và vị trí Âm Dương của các sao để đưa ra lời kết luận. Trong những trường hợp như vậy, chỉ chú trọng tới yếu tố thứ 3 sẽ làm cho người đoán giải hoàn toàn rơi vào bế tắc.
Chúng tôi đưa ra nguyên tắc hội tụ 3 yếu tố trên để bạn đọc linh hoạt trong từng trường hợp. Chúng tôi cũng sẽ không đề cập lại vấn đề này khi bàn về Ngũ hành tương khắc, tương hòa hay quy luật chế hóa của Âm Dương ngũ hành ở những trang sau.

B. TìM HIỂU VỀ
ngũ hành tương khắc
Nói đến Ngũ hành tương khắc là nói đến sự xung khắc giữa các hành với nhau, hay gọi đúng tên bản chất của sự tương khắc là hành này khống chế và làm cho hành kia bị suy yếu, hủy diệt.
Nếu Ngũ hành tương sinh được hiểu là sự nuôi dưỡng, bồi đắp của hành này cho hành kia phát triển và lớn mạnh, được coi như là tốt giữa 2 hành đó, thì Ngũ hành tương khắc lại được coi là xấu giữa 2 hành. Ví dụ: Kim khắc Mộc, có nghĩa Kim khống chế, làm cho Mộc bị suy yếu, hủy diệt; Thủy khắc Hỏa, Thổ khắc Thủy ... cũng tương tự như vậy.
Vậy Ngũ hành tương khắc có nghĩa như thế nào? Hiểu đơn giản, có quy luật tương khắc vì:
1. Mộc khắc Thổ: Cây cối cắm rễ vào đất, hút chất màu mỡ của đất, làm khô nẻ đất đá nên mới nói Mộc khắc Thổ.
2. Thổ khắc Thủy: Đất hút cạn nước, hoặc ngăn chặn dòng chảy của nước nên nói Thổ khắc Thủy.
3. Thủy khắc Hỏa: Nước dập tắt lửa hoặc làm suy yếu cường độ của lửa nên mới nói Thủy khắc Hỏa.
4. Hỏa khắc Kim: Lửa nóng làm cho kim loại biến dạng, suy yếu, hoặc tan chảy nên mới nói Hỏa khắc Kim.
5. Kim khắc Mộc: Kim loại làm đổ cây cối, chế tác cây cối thành vật dụng nên mới nói Kim khắc Mộc.
Quan hệ tương khắc của Ngũ hành được mô tả theo sơ đồ sau:
Không giống như Ngũ hành tương sinh, cơ bản như là tốt cho cả 2 hành vì không có sự khắc, đặc biệt tốt cho hành được sinh (tình trạng sinh nhập) và tốt ít, hoặc không xấu cho hành bị sinh (tình trạng sinh xuất). Trong mối quan hệ tương khắc của Ngũ hành thì dù khắc xuất hay khắc nhập đều xấu, sự xấu ít hay xấu nhiều, phụ thuộc vào hành đó ở trong tình trạng khắc xuất hay bị khắc nhập.
Khắc xuất hiểu nôm na là mình khống chế được người khác, làm cho người đó bị suy yếu, hủy diệt. Còn khắc nhập là mình là người yếu thế, bị người khác khống chế, làm cho mình bị suy sụp, hủy diệt. Dù ở tình trạng khắc xuất thì sự hao tổn, suy kiệt vẫn sảy ra. Ví dụ, muốn dập tắt được lửa buộc phải tiêu hao lượng nước nhất định, muốn ngăn được nước buộc phải có lượng đất đủ để đắp đập, ngăn bờ, thấm hút... Như vậy, dù ở tình trạng khắc xuất hay khắc nhập thì sự suy yếu cho bản thân vẫn sảy ra, đặc biệt là xấu nhất khi ở tình trạng khắc nhập, vì đó là tình trạng bị đối phương làm cho suy yếu, rất dễ dẫn đến bị huỷ diệt.
Vì Ngũ hành được biến sinh từ 2 khí Âm - Dương nên khi tìm hiểu về Ngũ hành tương khắc, nguyên tắc chú ý đến tính Âm (-), Dương (+) của Ngũ hành không thể bỏ qua.
Chúng ta đều biết, hai hành có cùng Âm (-) hoặc cùng Dương (+) thì sẽ không sinh cũng như không khắc vì hai hành này có tính đối kháng, sẽ đẩy nhau ra xa, mỗi hành lại ở một vị trí nên không thể có chuyện sinh, khắc.
Ví vụ: Dương Thổ không sinh Dương Mộc
Âm Kim không khắc Âm Mộc
Mối tương quan sinh - khắc của Ngũ hành được hiểu như vậy nên trong khoa Tử vi mới có sự lưu ý đặc biệt:
4 cung Thìn - Tuất - Sửu - Mùi đều thuộc Thổ và chia ra 2 cặp cùng khí Dương (+) là Thìn - Tuất và cùng khí Âm (-) là Sửu - Mùi. Nên sẽ không có sự đối kháng giữa Thìn và Tuất, Sửu và Mùi như các cặp còn lại như: Tý - Ngọ, Mão - Dậu, Tỵ - Hợi, Dần - Thân. 
Tại sao vậy? Vì Thìn - Tuất đều là Dương Thổ, Sửu - Mùi đều là Âm Thổ nên không có sự đối kháng. Nhưng các cặp còn lại Tý (Dương Thủy) - Ngọ (Dương Hỏa), Mão (Âm Mộc) - Dậu (Âm Kim), Tỵ (Âm Hỏa) - Hợi (Âm Thủy) và Dần (Dương Mộc) - Thân (Dương Kim). Tuy các cặp này đều cùng thể chất khí (cùng Âm hoặc cùng Dương) nhưng đặc tính của hành lại khắc nhau nên mới có sự đối kháng (Thủy >< Hỏa, Kim >< Mộc) như vậy.
Trong mối quan hệ vợ chồng, nếu tuổi vợ và chồng ở thế tương khắc thì trường hợp tuổi chồng khắc tuổi vợ còn khả dĩ chấp nhận phần nào, nhưng nếu tuổi vợ lại khắc tuổi chồng (ví dụ tuổi vợ là Bính Thìn khắc tuổi chồng là Bính Ngọ) thì quả thật trường hợp này đúng là “nghi bại nghi vong” - Người vợ sẽ đem lại những bất hạnh, đắng cay cho người chồng. Đây là điều tối kỵ trong việc kết duyên đôi lứa theo thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Nghiên cứu về sự tương khắc của Ngũ hành, thì nguyên tắc căn cứ vào Ngũ hành của nạp âm thủ tựơng nhất quyết phải được chú trọng. Đây là yếu tố quan trọng để lý giải tại sao tương sinh mà lại không tương sinh, tương khắc mà thực chất lại không tương khắc.
Chẳng hạn, tuổi Bính Ngọ và Bính Thìn
Xét về đặc tính của Ngũ hành thì tuổi Bính Ngọ có bản mệnh là Thủy, còn tuổi Bính Thìn có bản mệnh là Thổ, sẽ xung khắc vì: Thổ làm cho Thủy (Thổ khắc Thủy) bị hao kiệt, suy yếu, thậm chí bị hủy diệt. Xét đến âm dương của nạp âm ngũ hành thì Bính Thìn là dương Thổ, Bính Ngọ là dương Thủy, thì hai tuổi này cũng sẽ không có sự tương khắc mà chỉ đối kháng nhau, đẩy nhau ra xa và không thể có sự hủy diệt nhau vì đều là Dương (+), nhưng nếu xét về bản chất lý tính (nạp âm Ngũ hành) thì Sa Trung Thổ (đất bồi bờ biển, còn gọi đất trong cát) không thể làm hại được Thiên Hà Thủy (nước sông trên trời, còn gọi nước trời mưa) vì các loại Thổ (đất) không thể hút được nước trên trời, ngược lại còn bị nước sông trời (nếu nhiều) sẽ làm cho tan rã, hư hại.
Như vậy, tuổi Bính Thìn và Bính Ngọ về cơ bản không có sự xung khắc gay gắt, không dẫn đến cảnh “hủy diệt” lẫn nhau, nhưng vì đều là khí dương (+) nên sẽ không hợp nhau, không làm tốt cho nhau mà luôn đẩy nhau ra xa, cản trở nhau trong mọi công việc. 
Lưu ý: Đây là xét về Âm Dương Ngũ hành thì là vậy nhưng không thể cứ là nữ Mệnh Bính Thìn (Thổ) và nam Mệnh Bính Ngọ (Thủy) sẽ đều như vậy. Sự gia giảm về hệ quả của sự kết hợp vợ chồng phần lớn phụ thuộc vào lá số của mỗi người trong mỗi cặp vợ chồng, vì thế mới có sự khác biệt khi so sánh hạnh phúc giữa các cặp vợ chồng có bản Mệnh giống nhau. Tuy nhiên, tất cả các cặp vợ chồng trong trường hợp này đều gặp trục trặc, không ít thì nhiều trong cuộc sống lứa đôi, chứ không thể thuận hòa như những cặp vợ chồng các tuổi khác được.
Hay như tuổi Nhâm Tuất, Quý Hợi có bản mệnh là Đại Hải Thủy (nước biển rộng mênh mông), đặt cạnh Thiên Thượng Hỏa (nạp âm thủ tượng của tuổi Mậu Ngọ, Kỷ Mùi) thì lại tốt bởi Đại Hải Thủy dung nạp tất cả nước sông ngòi đổ xuống nên rất cần có Thiên Thượng Hỏa chiếu xuống làm thành cách thủy bổ dương quang. Như vậy, trong trường hợp này tưởng như khắc mà lại không xung khắc.
Luận bàn về Ngũ hành tương khắc, cổ nhân có 3 cách như sau:
Cách 1: Lấy đặc tính Ngũ hành và Âm Dương Ngũ hành làm căn bản.
Cách 2: Lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản (nạp âm Ngũ hành).
Cách 3: Kết hợp cả 2 cách trên.
Theo kinh nghiệm, chúng tôi chọn cách 3 làm cơ sở cho việc luận giải. Thực tế, sự tương sinh - tương khắc - tương hòa của Ngũ hành không đơn giản. Để lý giải được mối quan hệ tương sinh - tương khắc - tương hòa nào đó, nếu chỉ lấy đặc tính của Ngũ hành và Âm - Dương Ngũ hành làm căn bản sẽ dễ dẫn đến kết luận phiếm diện. Nếu chỉ lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản sẽ có nhiều trường hợp người đoán giải đành chịu bó tay. Vì vậy, khi xét về Âm Dương Ngũ hành bạn đọc nên lưu ý nguyên tắc:
- Lấy đặc tính của Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy Âm Dương Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy lý tính của nạp âm Ngũ hành làm căn bản.
Cần lưu ý, khi luận giải về tương sinh - tương khắc - tương hòa hoặc quy luật chế hóa của Ngũ hành, người đoán giải phải phải linh hoạt, không được tuân thủ một cách máy móc, tùy theo từng trường hợp, mà có sự linh hoạt, không vì quá coi trọng một yếu tố nào mà đưa ra lời kết luận phiến diện, dẫn đến lời luận giải thiếu chính xác, thậm chí còn bế tắc.

C. TìM HIỂU VỀ
ngũ hành tương hòa
Nói đến quy luật tương khắc là nói đến sự khống chế của hành này tới hành kia, làm cho hành bị khống chế sẽ suy yếu, bị huỷ diệt. Còn nói đến quy luật tương hòa của Ngũ hành là nói đến sự hòa hợp vì cùng tính chất của 2, 3 hoặc 4 hành. Ví dụ: Thổ hòa Thổ, Kim hòa Kim, Thủy hòa Thủy, Mộc hòa Mộc, Hỏa hòa Hỏa.
Chữ tương ở đây có nghĩa chỉ sự liên quan giữa Ngũ hành. Chữ hòa ở đây có nghĩa là chỉ sự thích hợp để duy trì và tồn tại. Chính vì có sự hòa hợp về đặc tính đó nên quy luật tương hòa được xem như là tốt cho các hành đó.
Cũng như quy luật Ngũ hành tương sinh - Ngũ hành tương khắc, ở quy luật Ngũ hành tương hòa này, người nghiên cứu không thể bỏ qua quy luật Âm - Dương của Ngũ hành.
Tính chất trong Âm (-) có Dương (+), trong Dương (+) có Âm (-), Âm (-) cực sinh Dương (+), Dương (+) cực sinh Âm (-) của dịch lý nên khi 2 hành tương hòa, nếu có một Âm (-) và một Dương (+) thì sự phù hợp và phù trợ nhau sẽ rất đắc lực.
Ví dụ: Dương Thổ và Âm Thổ, Dương Thủy và Âm Thủy, Dương Hỏa và Âm Hỏa, Dương Kim và Âm Kim, Dương Mộc và Âm Mộc.
Nhưng, nếu 2 hành tương hòa đó cùng khí Âm (-) hoặc cùng khí Dương (+) thì sự hòa hợp đó trở thành vô nghĩa. Ví dụ: Dương Thổ và Dương Thổ, Âm Thủy và Âm Thủy, Dương Mộc và Dương Mộc... Trong trường hợp này, sự tương hòa về đặc tính của các hành đó không tốt mà cũng không xấu.
Khi tìm hiểu về nguyên lý Ngũ hành tương hòa, bạn đọc cũng không thể bỏ qua yếu tố nạp âm Ngũ hành, để hiểu rõ thực ra sự tương hòa đó có tồn tại hay không?
Khi nhắc đến quy luật tương hòa của Ngũ hành, tại sao lại có câu: Lưỡng Hỏa thì Hỏa diệt, lưỡng Thủy thì Thủy kiệt ... ?
Đây chính là sự phức tạp nhưng khá tinh tế và linh hoạt của cổ nhân khi lấy Âm Dương Ngũ hành làm căn bản cho sự vận động không ngừng của vũ trụ. Rõ ràng sự đồng tính chất của Ngũ hành, chưa hẳn đã là điều tốt đẹp mà còn phụ thuộc vào sự hòa hợp, thuận lý Âm Dương của Ngũ hành, tức lý tính của Ngũ hành. Đây cũng chính là nguyên tắc bất di bất dịch khi tìm hiểu về nguyên lý chuyển dịch của Ngũ hành.
Lấy 2 tuổi có bản mệnh là Đại Hải Thủy với Giản Hạ Thủy làm ví dụ.
Đại Hải Thủy có nghĩa là nước biển rộng mênh mông, là nơi dung nạp mọi nguồn nước từ sông, suối đổ về. Trong khi Giản Hạ Thủy chỉ là nước dưới khe suối, như vậy, sự kết hợp giữa 2 hành Thủy này tưởng rằng được tương hòa nhưng thực chất là gần như tương khắc, bởi Đại Hải Thủy đã hút hết nước của Giản Hạ Thủy, làm cho Giản Hạ Thủy bị suy yếu, thậm chí bị cạn kiệt.
Hay như Sơn Hạ Hỏa là lửa chân núi rất sợ Tính Lịch Hỏa (lửa sấm sét) vì nếu có sự kết hợp giữa 2 loại Hỏa này thì Sơn Hạ Hỏa sẽ bị Tính Lịch Hỏa tiêu diệt ánh sáng. Đây chính là ví dụ của cách “lưỡng Hỏa thì Hỏa diệt”.
Tóm lại, khi tìm hiểu về Ngũ hành tương hòa, người đọc nhất thiết cũng phải tuân thủ nguyên tắc 3 yếu tố:
- Lấy đặc tính của Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy Âm Dương của Ngũ hành làm căn bản.
- Lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản.
Cả 3 yếu tố trên đều phải được cân nhắc và chú trọng như nhau, không coi nhẹ bất cứ yếu tố nào, cho dù yếu tố thứ 3 có thể coi là yếu tố quan trọng, có giá trị gần như quyết định nguyên lý tương sinh - tương khắc và tương hòa của Ngũ hành trong khá nhiều trường hợp. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp, người luận giải phải uyển chuyển, linh hoạt để có lời kết luận xác đáng.

D. SỰ CHẾ HÓA
của ngũ hành
Ngũ hành không chỉ có tương sinh - tương khắc - tương hòa mà còn bổ trợ, khống chế lẫn nhau. Sự mâu thuẫn này thể hiện rõ trong quy luật chế hóa của Ngũ hành. Sự sinh - khắc qua lại của Ngũ hành chắc chắn sẽ đưa đến một mê hồn trận cho người giải đoán. Đây là sự phức tạp cố hữu, không thể giản lược, làm cho việc dự đoán (nhất là trong Tử vi) càng trở nên phức tạp.
Giữa các Ngũ hành, dù mối quan hệ tương sinh hay tương khắc thì mối quan hệ đó đều có hai mặt. Sự ảnh hưởng qua lại giữa các hành với nhau trong cùng mối quan hệ (tương sinh hay tương khắc) đã duy trì cho sự cân bằng và điều hòa của sự vật trong quá trình phát triển và biến hóa. Đây chính là quy luật chế hóa của Ngũ hành.
Quy luật chế hóa của ngũ hành được cổ nhân lý giải như sau:
1. Sự chế hóa của hành Kim:
Kim vượng gặp Hỏa mới thành vật hữu ích.
Kim sinh được Thủy nhưng Thủy nhiều tất Kim sẽ bị chìm.
Kim khắc được Mộc nhưng Mộc cứng thì Kim tất bị sứt mẻ.
Kim nhờ Thổ sinh nhưng Thổ nhiều thì Kim tất bị vùi lấp.
2. Sự chế hóa của hành Thuỷ:
Thủy sinh được Mộc nhưng Mộc nhiều thì Thủy tất bị yếu đi.
Thủy vượng gặp Thổ mới biến thành sông ngòi, ao hồ, đại dưong.
Thủy khắc Hỏa nhưng Hỏa nhiều thì Thủy bị cạn khô.
Thủy nhờ Kim sinh nhưng Kim nhiều tất Thủy sẽ bị vẩn đục.
3. Sự chế hóa của hành Mộc:
Mộc vượng gặp Kim mới thành vật hữu ích.
Mộc nhờ Thủy sinh nhưng Thủy nhiều thì Mộc bị dạt trôi.
Mộc sinh được Hỏa nhưng Hỏa nhiều thì Mộc tất bị đốt cháy.
Mộc khắc được Thổ nhưng Thổ cứng thì Mộc tất bị gãy đổ
4. Sự chế hóa của hành Hỏa:
Hỏa vượng gặp Thủy mới thành sức mạnh.
Hỏa khắc được Kim nhưng Kim nhiều thì tất Hỏa sẽ bị tắt.
Hỏa nhờ Mộc sinh nhưng Mộc nhiều thì Hỏa tất bị yêú đi.
Hỏa sinh được Thổ nhưng Thổ nhiều thì Hỏa tất bị u ám.
5. Sự chế hóa của hành Thổ:
Thổ vượng gặp Mộc thì thành hanh thông.
Thổ được Hỏa sinh nhưng Hỏa nhiều thì Thổ sẽ bị đốt cháy.
Thổ khắc  Thủy nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị cuốn trôi.
Thổ sinh được Kim nhưng Kim nhiều thì Thổ tất thành ít.
Mối quan hệ khắc chế của các hành cũng không khác gì một mê hồn trận, khiến người tiếp cận lần đầu với thuyết Âm Dương Ngũ hành trở nên lúng túng, võ đoan
Bên cạnh việc căn cứ vào đặc tính của Ngũ hành để hiểu được quy luật chế hóa của Ngũ hành trong các mối quan hệ tương sinh - tương khắc - tương hòa, người luận giải cần kết hợp với nạp âm Ngũ hành để lời giải đoán tăng độ chính xác .
Để thuận tiện cho việc tra cứu của bạn đọc, chúng tôi giới thiệu dưới đây bảng mệnh của đời người trong Lục thập hoa giáp.

E. QUAN HỆ GIỮA
ngũ hành với con người
Chu dịch cho rằng: Mọi việc, mọi vật trong thế gian đều thống nhất ở thái cực, có nghĩa mọi việc, mọi vật đều thống nhất ở khí Âm - Dương và đặc tính Ngũ hành. Con người là một trong vạn vật nên phải tham gia vào sự vận động không ngừng của vũ trụ. Tất nhiên, dù có là bậc thánh nhân, con người cũng do 2 khí Âm Dương (cha mẹ) mà thành và cái thể xác đó cũng phải kết hợp với Ngũ hành mà sinh hóa theo với muôn loài.
Vốn có thể chất, lại sinh khắc chế hóa lẫn nhau, tạo nên sự suy hủy và phát triển nên nói tới Ngũ hành là nói đến cách hành xử của con người thế tục, nói tới 2 khí Âm (-) và Dương (+) là nói tới hành xử của con người thoát tục.
Chính vì lẽ đó mà cổ nhân đã căn cứ vào Âm Dương, Ngũ hành để “tiên liệu” diện mạo, vóc dáng và bản tính của con người. Chẳng hạn, trong tướng thuật, cổ nhân quan niệm: Hai mặt Âm, Dương kết hợp với nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời. Trong Âm có Dương và trong Dương cũng có Âm. Ví dụ:
- Đàn ông là Dương, đàn bà là Âm.
- Xương là Dương, còn thịt là Âm.
- Mặt phía bên trái là Dương, mặt phía bên phải là Âm; nửa mặt bên trên là Dương, nửa mặt phía dưới là Âm; phần lồi của khuôn mặt là Dương, còn phần lõm là Âm.
- Thân trước là Dương, thân sau là Âm; mặt trái là Dương mặt phải là Âm.
* Các dạng của Âm và Dương:
- Dương hòa: Đó là tình trạng người có Dương mạnh mẽ nhưng được tiết chế đúng mức. Dương hòa được biểu hiện với các đặc điểm như:
- Đầu tròn, có góc cạnh (mắt dài, có tụ thần), mặt hơi vuông, trán có xương tròn nổi rõ và đỉnh đầu bằng phẳng. Sắc diện hài hòa, đi đứng oai nghiêm, tự nhiên. Nói năng có ngữ điệu phù hợp với câu chuyện. Có tính quyết đoán và tư tưởng khoáng đạt.
- Lông mày xếch, cao, có hình chữ nhân, sợi lông mày hướng lên phía trên. Ngũ nhạc nổi rõ nhưng không lộ liễu, sơn căn nổi cao gần như ăn thẳng lên ấn đường.
- Kháng Dương: Ngược lại với Dương hòa, Kháng Dương là người có tính Dương quá mạnh nhưng lại không có sự tiết chế đúng mức. Kháng Dương được biểu hiện với các đặc điểm như sau:
- Đầu tròn, đỉnh đầu nhọn, mắt lồi, tia mắt sáng, lông mày ngắn, cong và mọc lên trên, tai nhọn và dựng đứng. Tiếng  nói lớn và giọng điệu thô kệch, khàn rè. Ngũ nhạc nổi tròn và đầu có dạng tròn nhỏ.
- Mặt có những bộ vị nổi tròn thành từng cục. Tính tình thô lỗ, nóng nảy, không nghĩ trước nghĩ sau.
- Âm thuận: Người có tính Âm rõ ràng nhưng không quá uỷ mị, hèn yếu, được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu tròn, ấn đường bằng phẳng và rộng. Lông mày hơi cong, mắt dài, mặt hơi vuông, nhưng nét tròn vẫn là cơ bản. Ngũ nhạc có dáng hình tròn nhưng không nổi bật.
- Tiếng nói nhỏ, từ tốn, ngữ điệu vừa phải và âm thanh trong trẻo, rõ ràng. Sắc diện hoà nhã, cách cư xử khéo léo, ôn hoà...
- Cô Âm: Người tính Âm thuần tuý, không có tính Dương. Người Cô Âm được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu và mặt có hình vuông hoặc thiên lệch về hình vuông; Đầu lớn mà khuôn mặt lại quá nhỏ, nếu nhìn chính diện khuôn mặt thì thấy bằng phẳng, nhưng khi nhìn nghiêng lại thấy phần giữa lõm xuống. Sắc diện lúc nào trông cũng u uất.
- Lông mày đậm, ngắn, thô và mọc lan rộng xuống tận bờ mắt; mắt sâu; tóc ít trong khi râu ria thì quá rậm rạp.
- Giọng điệu chậm rãi mà lại có xen kẽ những âm thanh chói tai hoặc nói nhanh mà lại bị đứt đoạn. Cư xử luôn thể hiện cho người khác thấy sự tính toán, vụ lợi ở trong đó.
- Âm thác: Người có tính Âm nhưng lại có pha trộn quá nhiều tính Dương, làm cho Âm tính bị suy yếu. Người Âm thác được biểu hiện bằng những đặc điểm sau:
- Đầu vuông, mặt tròn, trung nhạc nổi lên cao trong khi 4 nhạc trũng xuống.
- Người nhiều thịt xương nhỏ; lông mày rậm lan xuống tận bờ mắt; chân tóc mọc thấp xuống trán; Đàn ông có nhiều râu ria và giọng nói khô khan. Nếu là nữ giới thì có cử chỉ, hành động mạnh bạo như nam giới.
- Dương sai: Người có tính Dương quá yếu và bị tính Âm lấn át, được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu to, mắt nhỏ; phía trước lớn, phía sau nhỏ. Trung nhạc trũng xuống trong khi những nhạc khác lại nẩy nở, cao ráo.
- Người nhiều xương ít thịt; mặt lộ mà không có lông mày; Người to mà giọng thì nhỏ.
- Mắt to, sắc mặt ảm đạm; thân hình cứng cỏi, nam tính mà bước đi lại ẻo lả như con gái.
Đó là nhân dạng con người theo Âm - Dương, còn Ngũ hành thì sao?
Cổ nhân chia ra làm năm loại nhân dạng người theo Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tất nhiên, chúng ta không thể tin vào những điều “tiên liệu” này, bởi sự phi lý khi cổ nhân đưa ra khái quát về diện mạo, tính cách, nghề nghiệp, bệnh tật ... của nhân loại “gói ghém” qua 5 mẫu người. Dù sao, khi tìm hiểu về nguyên lý Âm Dương Ngũ hành của văn hóa dân gian, chúng ta cũng nên tìm hiểu qua về vấn đề này.
Vậy cổ nhân quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa Ngũ hành với con người? Qua Ngũ hành, nhân loại có hình dáng, tính tình, sức khỏe và cuộc sống ra sao? Chúng tôi xin lược soạn để bạn đọc tham khảo.
1. Người thuộc Mộc:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Mộc có nước da hơi xanh, hai bàn tay dày, ngón tay ngón chân dài, mũi dài, thân mình cao vừa phải và hơi gầy; chân mày thưa, râu cũng thưa; cằm vuông, miệng vuông; môi hơi dày, răng bằng và hai răng cửa hơi lớn; đi đứng nhanh nhẹn, cử chỉ lanh lẹ, tiếng nói đều đều nhưng âm lượng hơi cao. Nhìn chung, người thuộc Mộc ít gặp những bất trắc lớn trong cuộc đời, dẫu sống trong cảnh nghèo đói vẫn được yên ổn.
Người Mộc vượng thường có tầm vóc cao, tay chân dài, khoé miệng tươi, sắc mặt sáng, da trắng đẹp. Là người thanh cao, khảng khái, có lòng bác ái. Tuy nhiên, nếu Mộc quá vượng thường hay mắc bệnh về gan, mật, thần kinh hoặc xương khớp.
Người Mộc suy thì tóc thưa, vóc người gầy, tính cách hẹp hòi, đố kỵ, bất nhân, bất nghĩa. Nếu người Mộc quá suy thì cũng hay mắc các bệnh như người Mộc quá vượng, nhưng thường dễ mắc các bệnh về gan, mật hơn người Mộc quá vượng.
Người mà Mộc khí tử tuyệt thì lông mày không ngay ngắn, cổ dài, yết hầu lộ, da thịt kém tươi, tính cách biển lận, hay lừa dối.
Nhìn chung, người thuộc Mộc hợp với phương Đông, làm về các nghề mộc, giấy, trồng hoa, cây giống, hương liệu, đồ tế lễ hoặc kinh doanh về các nghề trên thì thường dễ dàng, may mắn.
2. Người thuộc Hỏa:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Hỏa có nước da vàng, râu vàng, mũi lộ; lông mày thưa, ngực nổi, bàn tay nhọn, trán dô; môi cong, răng lộ và nhỏ nhọn; đầu bằng và đỉnh đầu bằng; tay chân gầy khẳng, gân guốc; điệu bộ nhanh nhẹn; tai nhọn, tròng mắt khô; lưỡng quyền cao và tiếng nói mau.
Người mà Hỏa vượng thì đầu nhỏ, chân dài, mày rậm, tai nhỏ, vóc người trên nhọn dưới nở, tinh thần hoạt bát, tính nóng gấp nhưng lễ độ với mọi người. Tuy nhiên, nếu người Hỏa quá vượng thì dễ mắc các bệnh về hệ tiêu hoá, tuần hoà, hoặc  bệnh phần mặt, răng, lưỡi.
Người mà Hỏa suy thì  dáng người góc nhọn, tướng gầy, da vàng, nói năng ề à, dối trá, bản tính cay độc, làm việc thường chỉ nhiệt tình, hăng hái được lúc đầu, sau đó bỏ bê, có đầu mà không có cuối. Người Hỏa quá suy, cũng thường dễ mắc các bệnh như người Hoả quá vượng, tuy nhiên, dễ mắc những bệnh liên quan tới hệ tiêu hoá hơn.
Nhìn chung, người thuộc Hỏa hợp với phương Nam. Thích hợp với các nghề có liên quan tới văn hóa, nghệ thuật hoặc công việc kinh doanh những mặt hàng đó, chẳng hạn như ánh sáng, cắt tóc, thực phẩm, giáo viên, xuất bản, văn phòng phẩm...
3. Người thuộc Thổ:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Thổ có nước da hơi vàng đen, bụng tròn lớn, lưng rộng, rốn sâu, cổ ngắn, mắt dài, bàn chân nhiều thịt, chân mày rậm; tướng thịt nhiều nhưng không quá béo; đầu vuông, mũi cao dày, cằm hơi vuông và hơi triều lên; răng nhọn, tay nhọn, lưỡng quyền cao; đi đứng vững vàng, tiếng nói trầm có âm hậu.
Người mà Thổ vượng thì thắt lưng tròn, mũi nở, lông mày thanh tú, mắt đẹp, nói năng lưu loát và tiếng nói âm vang. Người thổ vượng thường là người độ lượng, trung tín, chân thành và hành động rất chắc chắn, có kết quả. Người mà Thổ quá vượng, quá mạnh thì đầu óc cứng nhắc, chậm hiểu biết, tính tình hướng nội, sống trầm lặng và khá bảo thủ. Tuy nhiên, nếu người thuộc Thổ mà quá vượng thì thường hay mắc các bệnh về lá lách, dạ dày, hoặc vùng bụng, lưng, ngực, phổi...
Người mà Thổ suy, thể khí không đủ nên sắc mặt thường ủ rũ, mặt mỏng, mũi ngắn, lòng dạ độc ác, là kẻ vô tình, bất tài. Người mà Thổ quá suy cũng thường hay mắc các bệnh về lá lách, dạ dày, hoặc vùng bụng, lưng, ngực, phổi như người Thổ quá vượng.
Nhìn chung, người thuộc Thổ hợp với vùng giữa hoặc có thể thích ứng với tất cả các phương. Người thuộc Thổ về nghê nghiệp cũng có thể thích hợp với nhiều ngành, nhiều nghề của tất cả những người thuộc hành khác. Tuy nhiên, người thuộc Thổ thường không được nổi trội thật đặc biệt trong nghề nghiệp như những người thuộc hành khác.
4. Người thuộc Kim:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Kim có nước da trắng hồng, đầu, trán và gương mặt cân đối, tai trắng, răng trắng; môi và lưỡi đỏ, cằm vuông, nhân trung sâu; tóc thưa, sợi nhỏ và xanh mướt; tay tròn trịa, hai bàn chân không khuyết, da lưng bàn tay đầy đặn, cứng dẽ; lưng tròn, bụng tròn, rốn sâu, tiếng nói thanh tao.
Nhìn chung người thuộc Kim có số phận khá tốt, dù có đang gặp cảnh cơ hàn vẫn tin tưởng vào một tương lai sáng lạn.
Người mà thuộc Kim thịnh là người có vóc dáng không gầy, cũng không béo, mắt sâu, lông mày cao, da trắng và đẹp, tác phong quyết đoán, trọng nghĩa khinh tài, giàu lòng tự trọng.
Người mà Kim quá vượng thường là kẻ hữu dũng vô mưu nhưng lại tham lam, bất nhân bất nghĩa. Người mà Kim quá vượng thường dễ mắc các bệnh về đại tràng, phổi, gan, trĩ, vùng rốn hoặc các bệnh về da, mũi, khí quản...
Người mà Kim suy thì vóc dáng gầy, nhỏ, tư cách vô tình, có khi nham hiểm, tham dâm, háo sát. Đặc biệt, đây là mẫu người tham lam vô bờ bến và biển lận. Người mà Kim quá suy cũng dễ mắc những bệnh như người thuộc Kim quá vượng.
Nhìn chung, người thuộc Kim hợp với phương Tây, có thể theo nghề kinh doanh hoặc các nghề có liên quan tới kim loại, có tính cứng rắn, quyết đoán, võ thuật, giám định, khai thác...
5. Người thuộc Thuỷ:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Thủy có nước da ngăm ngăm đen, hơi béo, thịt nhiều; bụng tròn, chân mày rậm; miệng rộng, ngón tay mập tròn; thần mắt lộ; bàn tay bàn chân lớn nhưng trông không thô kệch; đi đứng chậm chạp và ăn uống cũng chậm chạp; tính ý giản dị và tiếng nói hơi khàn. Nhìn chung người thuộc Thủy mà hợp tướng như vậy là rất tốt, trước khổ sau sướng, con cái an hòa, gia đình hưng vượng.
 Người mà Thủy vượng có sắc mặt hơi đen, nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, túc trí đa mưu, giàu lòng bác ái và trí tuệ thông minh, học nhanh hơn người.
Người mà Thủy quá vượng là người tính hay cáu gắt, hay cãi cọ, tính tình thay đổi thất thường. Những người mà Thủy quá vượng thường dễ mắc các bệnh về thận, bàng quang, bắp đùi, chân, đầu, gan, tiết niệu, thắt lưng, tử cung, âm hộ...
Người mà Thủy suy là người có vóc dáng thấp bé, tính tình bất nhất, thay đổi thất thường, tính nhát gan, không có mưu mẹo, hành động cũng bất nhất, không có thứ tự. Người mà Thủy quá suy cũng dễ mắc những bệnh như người thuộc Thủy quá vượng.
Nhìn chung, người thuộc Thủy hợp với phương Bắc. Và có thể thích hợp với khá nhiều nghề, đặc biệt là những ngành nghề liên quan tới chất lỏng, như: dầu khí, rượu, nước....
Không chỉ dùng Âm Dương - Ngũ hành để miêu tả hình dáng, tính cách và số phận của con người, tín ngưỡng dân gian cũng rất coi trọng việc áp dụng Âm Dương - Ngũ hành trong cuộc sống, chẳng hạn như: chọn ngày, giờ cho các công việc, chọn người xông đất ngày đầu năm, chọn người cộng sự, giúp việc .....
Theo tác giả Hoàng Tuấn (Cuốn: NGUYÊN LÝ CHỌN NGÀY THEO LỊCH CAN CHI, trang 216, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2005) thì: Khi có việc cần kíp cần phải tiến hành một việc nào đó, không thể trì hoãn mà gặp ngày giờ xấu, ta có thể dùng các phép “hóa giải” sau đây:
1. Dùng cơ chế “Chế sát”: Tức dùng “tương khắc” của Ngũ hành để chế sát. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Thủy thì dùng giờ Thổ để hóa giải (Thổ khắc Thủy); ngày “hung” thuộc Hỏa thì dùng giờ Thủy để hóa giải (Thuỷ khắc Hỏa); ngày “hung” thuộc Mộc thì dùng giờ Kim để chế sát (Kim khắc Mộc)..v.v....
2. Dùng cơ chế “Hóa Sinh”: Tức dùng “tương sinh” của Ngũ hành để hóa giải. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Kim thì dùng Thổ để hóa giải (Thổ sinh Kim); ngày “hung” thuộc Thủy thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim sinh Thủy); ngày “hung” thuộc Hỏa thì dùng giờ Mộc để hóa giải (Mộc snh Hỏa)...
3. Dùng cơ chế “Tị hòa”: Tức dùng “tỵ hòa” của Ngũ hành để hóa giải. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Âm Mộc thì dùng giờ Dương Mộc để hóa giải; ngày “hung” thuộc Âm Kim thì dùng giờ Dương Kim để hóa giải.....
4. Thay đổi người chủ trì: Có thể tìm người khác trong gia đình hay họ hàng, bè bạn hợp với tuổi tác, ngày giờ tiến hành công việc để thay Mệnh chủ trong công việc đang làm. Tất nhiên, người được “mượn tuổi” phải có Mệnh tương sinh với ngày, giờ được chọn để khởi đầu cho công việc.
Trong bốn phép “Hóa giải” mà Tiến sỹ Hoàng Tuấn đưa ra, theo thiển nghĩ của chúng tôi, khi công việc cần kíp không thể trì hoãn, bạn đọc có thể dùng cơ chế “Chế sát” là tốt nhất để hóa giải sự hung - sát của ngày xấu. Còn nếu không chọn được giờ khắc với ngày xấu, lúc bấy giờ ta mới dùng cơ chế “Hóa Sinh”, sau cùng mới đến dùng người khác thay Mệnh chủ trong công việc hoặc dùng cơ chế “Tị hòa” để hóa giải.
Người Việt Nam cũng rất chú trọng việc chọn người xông đất (nhà) đầu năm. Người ta thực hiện theo nguyên tắc: chọn mệnh sinh, kỵ mệnh khắc. Nhưng trong “tương sinh” Ngũ hành ấy, người ta thường chọn thế sinh nhập, nghĩa là mệnh mình được mệnh khách sinh. Ví dụ: Chủ nhà mệnh Thủy thì người xông nhà phải là mệnh Kim để Kim sinh Thủy; chủ nhà mệnh Kim thì người xông nhà phải có mệnh là Thổ để Kim được Thổ sinh; chủ nhà mệnh Hỏa thì chọn người xông nhà có bản mệnh là Mộc để Hỏa được Mộc sinh... Tất nhiên, việc chọn người dù ở thế sinh nhập vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc: Âm - Dương, chứ không thể cùng Âm hoặc cùng Dương. Chẳng hạn, người chủ mệnh là Âm Kim sẽ chọn người có mệnh là Dương Thổ đến xông nhà, như vậy mới hoàn mỹ...
Người xưa quan niệm, người xông nhà có bản mệnh sinh cho bản mệnh của gia chủ thì cả năm mới, gia chủ sẽ được phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn. Nếu trong trường hợp không chọn được người có bản mệnh sinh cho bản mệnh của mình thì người ta thường chọn người ở thế tương hòa. Trường hợp vẫn chưa chọn được tuổi của người xông nhà ở thế tương hòa thì bấy giờ người ta mới chọn ở thế sinh xuất, có nghĩa là bản mệnh của mình sinh cho bản mệnh của người xông nhà.
Ví dụ: Chủ nhà mệnh Thủy, người xông nhà là mệnh Mộc; chủ nhà mệnh Kim, người xông nhà mệnh Thủy; chủ nhà mệnh Thổ, người xông nhà mệnh Kim; chủ nhà mệnh Hỏa, người xông nhà mệnh Thổ... Tuy năm mới có vất vả, lận đận vì bản mệnh của mình bị “hao mòn” do sinh xuất cho bản mệnh của người xông nhà nhưng công việc làm ăn vẫn được ổn định, hạnh phúc cũng được vẹn toàn.
Còn với mối quan hệ “tương khắc” của Ngũ hành thì sao? Tại sao người xưa lại kiêng kỵ chọn người xông nhà có bản mệnh tương khắc với bản mệnh của mình? Theo lý giải của thuyết Âm Dương Ngũ hành thì dù ở thế “khắc xuất” hay “khắc nhập” sẽ đều bất lợi cho gia chủ: Cả năm làm ăn không được xuôi chèo mát mái, hay gặp những chuyện rủi ro, hạnh phúc gia đạo không được vẹn toàn...
Với việc chọn người xông nhà, mở hàng đầu năm, dân gian thường chỉ chú trọng tới sự sinh - khắc về đặc tính và Âm Dương của Ngũ hành làm căn bản, nhưng trong một số công việc quan trọng như kết hợp làm ăn, cưới vợ gả chồng thì dân gian lại chú trọng thêm yếu tố lý tính của Ngũ hành.

G. ỨNG DỤNG
ngũ hành trong tử vi
Khi coi lá số, người luận giải bao giờ cũng ngó qua mối tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục, sao và cung an Mệnh theo quy luật sinh khắc của Ngũ hành để tìm nhanh nét phác thảo chính của cuộc đời đưong số. Càng hội tụ nhiều sự sinh nhập cho bản Mệnh thì lá số đó càng đẹp, đương số càng chiếm được nhiều lợi điểm về sự may mắn, lộc tài... Ngược lại, hành bản Mệnh càng chịu nhiều sự khắc nhập từ Cục, sao và cung an Mệnh thì lá số đó càng xấu, càng kém may mắn và bất hạnh.
Khi xét về tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục, sao và cung an Mệnh, người coi số thường chỉ chú trọng tới Cục, sao và cung an Mệnh xem sinh - khắc thế nào với hành của bản Mệnh, nhưng có người cẩn thận hơn còn xét cả mối tương quan giữa sao và cung an Mệnh cũng trong mối tương quan ngũ hành để chi tiết hơn hiệu lực của các tinh đẩu ảnh hưởng tới đương số như thế nào.
Việc xét tương quan Ngũ hành của bản Mệnh với Cục, sao và cung an Mệnh được tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau:
A. NGUYÊN TẮC THỨ NHẤT: 
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, xét về tương quan giữa hành khí của sao và hành bản Mệnh.
Hành sao sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành sao bị hao tổn, bị chiết giảm mà ảnh hưởng xấu tốt của sao bị yếu đi nên Mệnh được hưng vượng lên, nghiã là sao làm lợi cho Mệnh cho dù đó là cát tinh hay hung tinh. Nếu là cát tinh sáng sủa thì đưa đến lợi ích trọn vẹn cho Mệnh nhưng nếu cát tinh lạc hãm thì Mệnh tuy cũng hưởng lợi nhưng không được toàn vẹn vì sao bị hãm địa. Nếu là hung tinh sáng sủa thì các tính chất tốt xấu của nó cũng khiến bản Mệnh hưng thịnh lên và nếu hung tinh lạc hãm thì cũng ít bị nguy hại hơn vì hành sao bị hao tổn nên ảnh hưởng xấu của nó không thể tác họa mạnh tới Mệnh, trong khi bản Mệnh lại được hưng thịnh vì đã được sao phù sinh.
Hành sao đồng hành cùng hành Mệnh: Trường hợp này cả hai đều được hưng vượng lên. Mọi ảnh hưởng tốt hay xấu của sao dù là cát tinh hay hung tinh lên Mệnh vẫn phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của chúng, tuy nhiên bản Mệnh mang những đặc tính của sao nên sao đó thuộc về mình, mình hoàn toàn chỉ huy được sao một cách trọn vẹn vì thế hành khí của bản Mệnh được hưng thịnh lên, do đó hành sao đồng hành với bản Mệnh thì tốt nhất.
Hành Mệnh sinh hành sao: Trường hợp này hành khí của sao được hưng thịnh lên, trong khi bản Mệnh bị hao tổn. Vì hành khí của sao hưng thịnh lên nên cho dù cát tinh có sáng sủa cũng không đem lại lợi ích cho Mệnh mà còn làm cho Mệnh bị hao tổn khi sao phát huy tính chất của nó. Tệ hại nhất là khi hung tinh lạc hãm sẽ gây bất lợi cho Mệnh nhiều hơn do các tính chất xấu của nó phát huy ảnh hưởng.
Hành sao khắc hành Mệnh: Trường hợp này hành khí của sao vẫn giữ nguyên, nhưng bị giam cầm bó tay không hoạt động được còn bản Mệnh bị hao tổn, thiệt hại rất nhiều, có nghiã là sao hoàn toàn chủ động gây nhiều điều bất lợi cho bản Mệnh. Cho dù cát tinh miếu vượng thì mọi tính chất tốt đẹp của sao cũng không đem lại điều gì tốt lành cho bản Mệnh thậm chí còn làm cho Mệnh bị mệt mỏi, tuy nhiên vì là cát tinh nên cũng đỡ lo ngại. Còn nếu là hung tinh thì thật là bất lợi cho Mệnh, nhất là khi hung tinh hãm địa thì tính chất xấu của nó càng làm cho bản Mệnh thêm bất lợi, nguy hại.
Hành Mệnh khắc hành sao: Trường hợp này hành sao bị tổn hại, suy yếu nên cường độ ảnh hưỡng xấu tốt của sao bị giảm rất nhiều trong khi Bản Mệnh bị giam cầm bó tay không hoạt động được, nghiã là sao đó không thuộc về mình và bản Mệnh không chỉ huy được sao. Dù là cát tinh sáng sủa hay lạc hãm thì Mệnh cũng chịu ảnh hưởng không nhiều tính chất tốt (nếu sáng sủa) hay xấu (nếu lạc hãm) của sao. Hung tinh đắc địa hay hãm địa cũng vậy, do hành Mệnh khắc hành sao làm cho hành khí của sao bị suy yếu đi nhiều nên ảnh hưởng tính chất xấu tốt của sao lên Mệnh không còn là bao trong khi hành Mệnh bị giam cầm không hoạt động được nên trường hợp này cũng không tốt cho bản Mệnh.
B. NGUYÊN TẮC THỨ HAI: 
Xét tương quan giữa hành Mệnh và hành cung để xét đoán Mệnh thịnh hay suy
Hành cung sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh nhờ được hành cung sinh xuất nên bản Mệnh thêm vững chắc, hưng thịnh. Đây là trường hợp tốt nhất khi xét mối tương quan giữa hành Mệnh và hành cung.
Hành cung đồng hành cùng hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bình hòa với hành cung nên cả 2 đều hưng thịnh nên không xấu. Vì không có sự sinh - khắc giữa hành bản Mệnh và hành cung nên mối tương quan này không thật tốt, cũng không thật xấu mà chỉ ở mức bình thường. Tuy nhiên, sự bình hòa về hành cũng thêm một lợi điểm cho lá số nếu so với 3 trường hợp dưới đây.
Hành cung khắc hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị hành cung khống chế, làm suy tổn sinh khí nên xấu nhất. Trong trường hợp này, bản Mệnh luôn bị mỏi mệt, nguy hại và bất lợi nên rất cần có sự phù trợ của các sao để quân bình sự bất lợi cho lá số.
Hành Mệnh khắc hành cung: Trường hợp này hành bản Mệnh tuy khắc xuất hành cung nhưng bản Mệnh cũng không được lợi ích gì, vì để làm suy yếu hành cung thì hành bản Mệnh phải tổn hao nguyên khí nên bản Mệnh bị giam cầm, bó tay không hoạt động được. Trường hợp này tuy không phải xấu nhất nhưng cũng là điểm bất lợi cho lá số khi xét về tương quan giữa hành bản Mệnh với hành cung.
Hành Mệnh sinh hành cung: Trường hợp này hành bản Mệnh sinh xuất cho hành cung nên hành khí của cung được hưng vượng lên, tốt thêm lên nhưng bản Mệnh lại bị tiết khí, hao tán vì thế nên xấu. Đây cũng là điểm bất lợi cho lá số, rất cần có sự phù trợ của các sao để quân bình lại sự bất lợi cho lá số.
C. NGUYÊN TẮC THỨ BA: 
Xét tương quan giữa hành của tam hợp cục của cung an Mệnh với hành bản Mệnh.
Tam hợp cung Mệnh sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh được hưng thịnh nên tốt nhất.
Tam hợp cung Mệnh hòa hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh  và hành của Tam hợp cung Mệnh bình hoà, cả 2 đều được hưng thịnh lên, không có sinh - khắc nên tốt. Tuy nhiên vì bình hòa nên mức độ tốt thua kém trường hợp Tam hợp cung Mệnh sinh hành bản Mệnh.
Tam hợp cung Mệnh khác hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị suy tổn nhiều, bị chết nên xấu nhất.
Mệnh khắc hành Tam hợp cung Mệnh: Hành bản Mệnh tuy khắc thắng (khắc xuất) nhưng cũng chẳng được lợi ích gì vì bản Mệnh bị bó tay, không hoạt động được nên xấu.
Mệnh sinh hành Tam hợp cung Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị tiết khí hao tán, suy kiệt nên xấu nhì.
D. NGUYÊN TẮC THỨ TƯ: 
Xét tương quan giữa hành cung với hành sao. Nguyên tắc này tương đối không quan trọng, chỉ mạng ý nghiã gia giảm chút ít.
Hành cung sinh hành sao: Trường hợp này đẹp nhất vì sao được cung phù trợ, nuôi dưỡng, bồi đắp nên hành khí của sao được hưng thịnh.
Hành cung đồng hành với hành sao: Trường hợp này bình thường, không xấu, không tốt vì hành của cung bình hòa với hành của sao nên hành khí của sao không thay đổi.
Hành sao sinh hành cung: Trường hợp này xấu vì hành sao sinh xuất cho hành cung nên bị hao tổn, tiết khí mà yếu đi.
Hành sao khắc hành cung: Trường hợp này cũng xấu bởi hành sao tuy khắc thắng hành cung nhưng không có lợi gì vì bị giam cầm không hoạt động được.
Hành cung khắc hành sao: Trường hợp này xấu nhất vì hành sao bị khắc nhập nên thiệt hại nhiều nhất, những ý nghĩa tốt đẹp của sao đã bị khắc chế mà kém đi về hiệu lực.
E. NGUYÊN TẮC THỨ NĂM: 
Xét tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục.
Hành Cục tương đồng với hành bản Mệnh: Trường hợp này cả hai hành không có sự sinh - khắc nên cả 2 đều được hưng vượng lên nên tốt.
Hành Cục sinh hành bản Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh được hành Cục phù trợ, bồi đắp, nuôi duỡng vì thế mà được hưng thịnh nên tốt. Đây là trường hợp tốt nhất khi xét về tương quan liên hệ giữa hành bản Mệnh với hành Cục.
Hành bản Mệnh sinh hành Cục: Trường hợp này xấu vì hành Mệnh bị suy yếu do sinh xuất cho hành Cục, trong khi hành Cục được hưng thịnh (nhờ được hưởng sinh nhập) nên không tốt cho bản Mệnh.
Hành bản Mệnh khắc hành Cục: Trường hợp này cũng không đẹp vì hành của bản Mệnh tuy khắc xuất hành Cục nên cũng bị hao tổn hành khí vì thế mà bản Mệnh bị giam cầm, bó tay không hoạt động được. Dẫu vậy, trường hợp này cũng không có hại, mà chỉ ở mức trung bình.
Hành Cục khắc hành bản Mệnh: Trường hợp này xấu nhất trong mối quan hệ giữa hành Cục và hành Mệnh. Ở đây, hành khí của bản Mệnh bị suy thoái do chịu sự khắc nhập từ hành Cục.
Mối tương quan ngũ hành của bản Mệnh với Cục, sao và cung an Mệnh được giản tiện bằng những bảng dưới đây.
Lưu ý: Các ký hiệu được dùng trong Bảng tương quan về ngũ hành như sau:  
 => là sinh,    =  là bình hòa,      #  là khắc
Nếu cung Mệnh có 2 chính tinh đồng cung, thì chỉ cần nắm vững quy tắc sau:
Nếu bản Mệnh được phù sinh bởi 2 chính tinh là tốt nhất; nếu bị khắc cả 2 cấp là xấu nhất. Bản Mệnh được sao nào sinh thì thịnh về sao đó, bị khắc sao nào thì xấu về phía sao đó. Chỉ nên chú ý đến hệ cấp sinh, khắc thứ 2 giữa chính tinh với bản Mệnh. Sự phân biệt thêm hệ thứ nhất làm phức tạp sự đánh giá. Trên thực tế, nếu có sự sai biệt giữa 2 trường hợp, điều đó không mấy quan trọng ở cấp thứ nhất.
Nếu cung Mệnh vô chính diệu, thì chỉ cần: Hành cung Mệnh phù sinh cho bản Mệnh thì tốt, trái lại, nếu khắc với bản Mệnh thì xấu.
Tương tự, khi xét về giai đoạn hậu vận của đời người, người coi số sẽ lấy hành của Cục làm chuẩn để xem xét mối tương quan giữa Cục, sao và cung an Thân, được giản lược theo sơ đồ sau:
Nếu cung Thân có 2 chính tinh đồng cung, thì chỉ cần nắm vững quy tắc sau:
Nếu Cục được phù sinh bởi 2 chính tinh là tốt nhât; nếu bị khắc cả 2 cấp là xấu nhất. Cục được sao nào sinh thì thịnh về sao đó, bị khắc sao nào thì xấu về phía sao đó. Chỉ nên chú ý đến hệ cấp sinh, khắc thứ 2 giữa chính tinh của Thân và Cục. Sự phân biệt thêm hệ thứ nhất làm phức tạp sự đánh giá. Trên thực tế, nếu có sự sai biệt giữa 2 trường hợp, điều đó không mấy quan trong ở cấp thứ nhất… Như vậy, khi xem hậu vận con người, cần xét cẩn trọng cung Thân với Cục, lấy đó làm cơ sở chính để đưa ra lời luận giải.

.
Lời kết:
Như vậy, nguyên lý của Ngũ hành thật phức tạp, đòi hỏi người tìm hiểu về văn hóa dân gian phải nắm chắc những kiến thức cơ bản nhưng cũng đặc biệt linh động của Ngũ hành để vận dụng luận giải trong tùy từng trường hợp.
Khi viết về vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng tìm đọc thật nhiều tài liệu để thể hiện sự sinh động và thật rõ ràng, đầy đủ về nguyên lý của Ngũ hành - cơ sở để lý giải mọi hiện tượng về con người và vũ trụ của người xưa - nhưng thật tiếc, nội dung tài liệu tham khảo (viết về nguyên lý Âm Dương - Ngũ hành) không nhiều mà trình độ, sự hiểu biết của chúng tôi còn nhiều hạn chế, vì thế, bài viết chắc hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót, khiên cưỡng.
Tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng trong dân gian, nhất là về thuyết Âm Dương - Ngũ hành trong những điều kiện (chủ quan và khách quan) còn nhiều hạn chế như vậy nên việc làm này của chúng tôi thực không khác gì “ếch ngồi đáy giếng” nhưng vì muốn bạn đọc lần đầu tiếp cận với thuật ngữ Âm Dương - Ngũ hành sẽ bớt bỡ ngỡ, khó khăn nên chúng tôi mạo muội viết TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN LÝ CỦA NGŨ HÀNH, vì thế, chúng tôi mong nhận được sự lượng thứ và lời tham gia góp ý của bạn đọc về những hạn chế, sai sót của bài viết, để nếu có điều kiện, khi viết lại phần này, chúng tôi sẽ chỉnh sửa để nội dung bài viết sẽ thể hiện được đúng với tinh thần của thuyết Âm Dương - Ngũ hành.
*.
Hà Nội, xuân năm Bính Tuất (2006)
ĐặNG XUÂN XUYẾN

…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

         .

2 nhận xét:

  1. Nhờ thầy xem giúp gia đình
    Tôi sinh 1975
    Vợ sinh 1979
    Có 4 con trai:
    1. Sinh năm 2001
    2. 2003
    3. 2007
    4. 2013
    Kính mong thầy xem giúp gia cảnh, trân trọng Cảm ơn thầy!

    Trả lờiXóa
  2. Nếu nói âm dương ngũ hành theo ý tác giả thì không thể có các cặp tam hợp ví dụ như Dần Ngọ Tuất được vì cả 3 địa chi này đều thuộc khí Dương (mặc dù có tương sinh theo đặc tính của ngũ hành). Mong tác giả giải đáp thắc mắc của tôi. Cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa